Sharky
Mình dự định sinh dịch vụ ở D3, PSHN. Ngoài việc được chăm sóc tốt hơn thì quan trọng là lần này mình muốn chồng vào cùng trong quá trình vượt cạn. Cũng không phải là do sợ sệt gì cả, mà mình muốn chồng có một trải nghiệm mà không phải ai cũng có ở trên đời: tham gia vào quá trình đỡ đẻ cho con.

Mình chưa sinh nhưng có tổng hợp được một số ít thông tin quan trọng như thế này:

Sinh dịch vụ ở BV PSHN gồm có:


D3- Sinh thường
D4- Sinh mổ
D5- Phẫu thuật và các thủ thuật khác.




Lạy Trời mình sẽ sinh thường và sinh dễ/nhanh như hồi sinh Nhím để chọn D3.

Chi phí:

  • Theo dõi đẻ và đỡ đẻ 4tr
  • Theo dõi đẻ và chuyển đi mổ 5 tr
  • Vào viện chỉ định mổ ngày 4 tr
  • Đẻ ko đau nộp thêm 700k (gây tê ngoài màng cứng)
  • Tạm thu vào viện 7 triệu. Chi phí đẻ (4tr) không được BHYT thanh toán. 3tr còn lại là để thanh toán tiền giường và tiền thuốc. Tiền thuốc thì sẽ đc BHYT chi trả.

- ở D3 chỉ có 2 loại phòng: loại 150k/ngày là phòng 2 giường, có TV, điều hòa, tủ lạnh, nhưng ko có nhà vệ sinh. Loại 250k/ngày là loại có thêm phòng vệ sinh trong phòng. Và cũng chỉ có 2 loại phòng này thôi, ko có loại 4 - 6- 8 giường đâu. Khi mình vào nhập viện, tùy theo tình hình ra viện của ngày hôm đó mà ngta sẽ xếp cho mình phòng 150k hay phòng 250k.

Sinh dịch vụ ở D3 thì có gì khác với sinh thường (A2)
- Có phòng đẻ riêng, 1 mình 1 phòng, ko phải nằm đẻ chung với các bà mẹ khác. (cái này tớ nghĩ là ưu tiên hàng đầu vì phòng đẻ riêng thì đỡ xô bồ, ko phải nghe các mẹ khác rên la làm mất tinh thần chiến đấu )
- Phòng ốc sạch sẽ hơn, đội ngũ y bác sĩ cũng nhiệt tình, niềm nở hơn. (tất nhiên, nhiều tiền hơn mà lị )
- Được chọn bác sĩ đỡ/mổ. (cái này có mẹ cho là nên, có mẹ bảo ko nên, các mẹ nghiên cứu thêm )
- Trang thiết bị đầy đủ hơn: nước nóng, quần áo, chăn mền, khăn,tã lót cho bé.
- Tiền lót tay ( à há, vấn đề nhạy cảm, có mẹ bảo tuyệt nhiên ko có, có mẹ bảo là có chút đỉnh cho bác sĩ. Mình dù gì thì cũng đỡ hơn là sinh thường cứ phải rải 10K, 20K từ trên xuống dưới từ chị quét dọn cho tới em y tá )
- Tuy nhiên, sinh ở D3 thì bạn sẽ ko được bảo hiểm chi trả toàn bộ. Nếu có BHYT bạn sẽ được trừ lại vài trăm thôi.

Quy trình làm HS đẻ:


- Bắt đầu từ tuần thứ 36, các mẹ có thể đến đăng ký khám và làm xét nghiệm được rồi
Nên đến sớm, từ 7h để lấy số cho đỡ đông. Giờ khám là sáng từ 7h30, chiều từ 13h30. Các mẹ đi thẳng vào nhà A, cửa số 1, sẽ thấy có 1 cái board gỗ ghim 3 cọc thẻ giấy có số thứ tự và ngày tháng dành cho: khám thai thường, khám phụ khoa và tư vấn hiếm muộn. Cần làm gì thì lấy số tương ứng (khám thai thì lấy khám thai, khám phụ khoa thì lấy khám phụ khoa; vừa khám thai vừa khám phụ khoa thì lấy luôn 2 số!) Số của ngày nào chỉ có giá trị trong ngày đó thôi nhé! Và nhất thiết phải dùng sổ y bạ của BV (2k/quyển), cũng bán luôn ở cửa số 1 đó.Đến giờ BS ra, các mẹ để sổ y bạ + số thứ tự + các giấy tờ kèm theo của mình vào cửa số 2, đợi ngta đọc tên và phân loại.

- Dành cho các mẹ khám dịch vụ: BS sẽ đọc tên từng mẹ để mọi ng lấy lại sổ y bạ của mình ở cửa số 2 mà sang mấy ngăn đối diện (số 4, 5) đóng tiền. Chi phí đâu tầm 325k thì phải, bao gồm: xét nghiệm máu, đông máu, sinh hóa và nước tiểu. Đừng thắc mắc là số thứ tự của tôi đâu nhé, vì trong sổ y bạ ngta đã đóng dấu ghi rất rõ ràng các mẹ sẽ khám ở phòng nào, số thứ tự bao nhiêu rồi, yên tâm lớn đi.

- Dành cho các mẹ có BHYT:các mẹ kẹp vào sổ y bạ số thứ tự, thẻ BH, CMT (nhất thiết phải có đấy), và giấy chuyển viện (cực kỳ quan trọng!). Cái này nhiều mẹ quên vì cứ nghĩ mình có thẻ BH là xong, nhưng mà thẻ của các mẹ thường bao giờ cũng chỉ ở các BV đa khoa, chứ chả ai đăng ký cho các mẹ vào luôn PS đâu. Mẹ nào đi khám BS của PSHN ở ngoài mà đc BS cho 1 bộ HS xét nghiệm thì cũng kẹp vào đó luôn nhé!
Sau đó BS cũng sẽ gọi tên các mẹ ra cửa số 3 lấy laị y bạ để đi khám. Thẻ BH ngta sẽ giữ lại, khi nào các mẹ khám xong nhớ quay lại lấy nhe! Khám BHYT ko mất tiền, ngoại trừ 28k tiền xét nghiệm cái gì í (tớ quên mất òi, tại HS gởi ở D3 mất rồi còn đâu) Khoản đóng thêm này BS cũng sẽ nhắc các mẹ đóng thôi, ko sợ quên đâu
- Xong xuôi, các mẹ ra phòng số 2, 3, xếp sổ và chờ đến lượt (các mẹ khám dịch vụ nên kẹp hóa đơn vào y bạ) (ngay gần cửa vào, cạnh mấy phòng khám chuyển dạ í) để khám thai, gồm có: đo huyết áp, nghe tim thai, cân. Sau đó sẽ đc BS phát 1 bộ HS gồm 4 tờ giấy xanh đỏ các màu để làm các xét nghiệm máu + nước tiểu và 1 tờ chỉ định siêu âm.
- Làm xét nghiệm máu thì phải nhịn ăn. Còn xét nghiệm nước tiểu thì nên lấy sẵn ở nhà, vì ở đó nhà VS vừa đông vừa bẩn, mình lại bụng to, khó lấy nc tiểu lắm! Hơn nữa nc tiểu lấy đầu ngày thì tốt nhất, co kq chính xác nhất. Các mẹ cho nc tiểu vào các ống nghiệm để ngay bên ngoài phòng xét nghiệm, tự mình ghi tên vào những mẩu giấy cũng ở sẵn đó rồi lấy hồ dán lại, mang vào cho BS. Muốn lấy kết quả nhanh (sau 1 tiếng) thì đóng thêm 65K.
- Siêu âm ở phòng 14, 15. Các mẹ có BHYT nên quay lại cửa số 3 để ngta đóng dấu "Đã thanh toán BHYT" vào giấy chỉ định siêu âm trc khi xếp sổ.
Sau khi có đầy đủ KQ xét nghiệm và siêu âm, các mẹ mang lại cho BS khám ban đầu để đc đọc kết quả. Vậy là xong phần làm HS đẻ rồi đó!

Quy trình làm giấy chuyển viện dành cho những mẹ có BHYT:


- Các mẹ đến khám thai ở BV đăng ký trong thẻ (thường là các BV đa khoa) để xin làm giấy chuyển viện. Thường là từ tuần thứ 36 ngta mới làm giấy chuyển viện (trong trường hợp bình thường, ko kể các trường hợp cấp cứu hay có bệnh à nha)
- BS sẽ viết cho các mẹ 1 tờ giấy chuyển viện có dấu đỏ. Tờ này các mẹ nên photo thành ít nhất là 5 bản, để dùng dần, vì ngta hay hỏi lắm á! Tớ cứ tính thế này nhé: 1 tờ các mẹ đưa cho BVPS khi đi làm HS đẻ này, 2 tờ khi làm thủ tục thanh toán viện phí này. Chưa kể lần nào các mẹ đi khám tại BVPS mà dùng thẻ BH cũng đều phải đưa cho họ 1 tờ đó nữa này.
- Thêm 1 chú ý nữa: mẹ nào vào viện đẻ mà lỡ quên mang BHYT, thì có thể nhờ ng nhà về lấy trong vòng 1 tiếng, hoặc thanh toán như ng ko có thẻ BH. Sau đó mang biên lai giấy tờ ra 124 Đội Cấn để đc thanh toán chế độ.

Đăng ký đẻ ở D3:


- Các mẹ vào phòng Hành chính, tầng 3 khu nhà D (chính là phòng 340 mà bạn Tamil nói đấy) sẽ có BS tiếp đón rất chu đáo. Thắc mắc gì cũng sẽ đc giải đáp nhiệt tình (mọi cái tớ nói ở đây cũng là nhờ hỏi BS đấy chứ )
Các mẹ có thể để lại HS xét nghiệm luôn, ngta sẽ vào sổ số HS đẻ của các mẹ luôn, ko sợ quên đâu vì họ cũng sẽ ghi vào y bạ của các mẹ nữa mà; đến khi đi đẻ các mẹ cứ ung dung lên thẳng đó để đẻ thôi( tất nhiên là phải kèm theo 5tr rồi, hehe). Còn nếu ko các mẹ khi nào chuyển dạ thì mang theo HS vào và đăng ký luôn cũng no problem . Theo tớ thì nếu các mẹ đã xác định là đẻ ở D3 thì nên nộp trc cho chắc ăn, kẻo lúc vỡ đê lại cuống cả lên để quên ở nhà là gay go to.
- Quy định ở D3 khá là chặt đấy, mỗi lần chỉ đc phép có 1 ng nhà ở trong khu đẻ với sản phụ thôi nhé. Giờ thăm thì sáng từ 10h đến 11h30, chiều từ 4h30 nhé.

Tạm tổng kết như vậy để các mẹ tham khảo. Mẹ nào sinh rồi thì cho thêm ý kiến nhé ! Chúc các mẹ đẻ nhanh đẻ khỏe đẻ tốt !
Sharky
Haizzz, sinh con rồi mà vẫn thấy nhiều thứ như mới :D. Để xem lại xem cần chuẩn bị cái gì từ bây giờ phục vụ cho giai đoạn sau sinh nào:

Xoa bóp/bôi/tắm:

1- Mua 3 chai rượu nghệ + rượu gừng + rượu địa liền về cho nhanh gọn. Hoặc tự ngâm thì theo công thức là 1kg nghệ + 2 lít rượu và 1kg gừng + 2 lít rượu nếu muốn ngâm riêng. Hoặc ngâm chung cũng được, nhưng sợ sau này đẻ xong có lúc chỉ cần dùng rượu gừng thôi.
Theo kinh nghiệm của các mẹ thì:

Thoa rượu gừng và nghệ sau khi sinh em bé là rất tốt.
Gừng & rượu sẽ "đón gió", giúp cơ thể ấm áp. Nghệ sẽ giúp da mịn màng & trắng trẻo, nhất là trong giai đoạn "thay da đổi thịt" này!
Trước khi sinh khoảng 2 tháng, có thể bắt đầu làm một hủ rượu gừng & nghệ.
Gừng và nghệ rửa sạch. Nếu có thời gian thì có thể cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Sau đó cho vào cối đá đâm cho dập dập ra.  Cho gừng & nghệ đã đâm vào hủ. Đổ rượu trắng vào. Đậy nắp kín lại. Xong !
Sau khi sinh, mỗi ngày thoa rượu 2 lần, sáng và chiều, sau khi vệ sinh cá nhân
Cách thoa : Thoa đều lên mặt và toàn thân.
Tips : Sử dụng bao tay nylon để ít vàng móng tay, dùng 1 cái khăn mềm mỏng của em bé để thoa, có thể mặc 1 bộ đồ dài đã cũ sau khi thoa để nếu có dính nghệ vàng quần áo cũng không tiếc, trãi báo xung quanh khu vực ngồi thoa rượu để không dính vàng nền nhà


2- Thuốc tắm Dao'Spa. Ngày xưa mình cũng tắm cái này, dự định mua 6 lọ Dao'Spa Mama, vị chi là hết 520K. Hic, ngày xưa mình nhớ đâu có 60K/lọ, đúng là thời bão giá. Ah, mà lọ này thấy có bán ở hiệu thuốc Mai Hoa ở dốc PSHN. Tuần sau đi khám mình sẽ chạy ra đó mua vậy.
Sharky
Còn chừng 10 tuần nữa mình cũng "vỡ chum" rồi, đang đi tìm lại d/s các vật dụng cần mang theo khi đi đẻ thì may quá đọc được bài này của bạn Honey.Bee trên WTT, cũng sinh ở PSHN. Copy vào đây để về chuẩn bị dần :D

ĐỒ CHO BÉ:

  • Áo buộc dây sơ sinh: 1 cái.
  • Quần sơ sinh: 1 cái.
  • Hoặc bộ body sơ sinh: 1 bộ.
  • Mũ vải dầy(ko phải mũ thóp đâu nhá): 1 cái.
  • Mũ thóp: 2 cái.
  • Bao tay, bao chân: 1 bộ.
  • Quần đóng tã: 2 -5 cái (tùy theo mẹ nó dùng tã luôn cho con hay tận dụng tã vải của bệnh viện).
  • Khăn sữa: 5 cái.
  • Tã Newborn: mang nhiêu tùy mẹ nó, thường ngta mang cả gói cho tiện.
  • Giấy ướt: 1 gói.
  • Giấy lót phân xu: 5 tờ (nhưng mà thường là mang luôn cả hộp cho tiện, trong trường hợp mẹ nó dùng tã vải).
  • Bông gòn cục: 1 túi (để vệ sinh cho cả mẹ và con) + mẹ nút lỗ tai)
  • Chăn quấn hoặc túi ủ: 1 cái (để quấn bé lúc đón về).
  • Khăn bông bay: 1 cái (nhớ là mua cái màu trắng nhe).
  • Chăn của bé: 1 cái (Chăn mỏng thôi, vì mấy nữa mẹ nó sinh là nóng mà).
  • Gối của bé: 1 cái (hoặc mang 1 cái khăn tắm xô gấp lại mà làm gối nếu sợ đầu bé mềm chưa muốn cho nằm gối).
  • Bình sữa: 1 bình (mang loại bé, tầm 60ml ấy).
  • Sữa: 1 hộp.
  • Thìa nhỏ: 1 cái (phòng khi bé ko chịu ti bình mà mẹ chưa có sữa thì phải lấy thìa đổ sữa cho bé).
  • Nước muối sinh lý: 2 lọ (loại cắt sẵn núm í, để nhỏ mắt hoặc mũi cho bé nếu thấy bé khọt khẹt hoặc có gỉ mắt).
  • 1 đôi đũa + 1 con dao + 1 thỏi son: để làm phép lúc đón bé về nhà. Son để bôi lên trên trán bé, còn đũa và dao để ng nào bế bé về cầm trên tay.

ĐỒ CHO MẸ:
  • Quần áo dài tay loại dành cho bà bầu: 1 bộ (nhớ chọn cái quần nào rộng bụng chút cho dễ mặc, vì đẻ xong bụng còn to lắm ó, nhất là nếu mẹ nó đẻ mổ thì càng nên mặc quần rộng bụng; ko là nó thít cho đau lắm).
  • Tất mỏng: 3 đôi.
  • Quần lót giấy: 1 gói.
  • Áo lót cho bé bú: 1 cái (mặc lúc ra viện í).
  • Mũ: 1 cái.
  • Hoặc khăn (để chùm đầu lúc ra viện).
  • Giấy ăn: 1 bịch (để lau chùi, còn giấy VS thì ko cần nhe, ngày nào ngta cũng để cho mình 1 cuộn trong nhà VS òi).
  • Đồ vệ sinh cá nhân: nước súc miệng (vì mới sinh ko ai cho đánh răng, sợ sau này bị buốt răng), sữa rửa mặt, nước rửa tay, khăn mặt.
  • Đồ cá nhân: buộc tóc, bao kính,v.v...
  • Bỉm Caryn: 2 cái.
  • Băng VS Mama: 2 cái.
  • Băng VS thường,loại siêu thấm: 1 bịch.
  • Dép lê: 1 đôi.

ĐỒ LINH TINH:
  • Cốc sứ có nắp.
  • Chén nhỏ .
  • Chậu nhỏ.
  • Bình hoặc chai nước lọc: chai 5 lít.
  • Dao gọt hoa quả.
  • Sữa tươi.
  • Kéo.
  • Phong bì trắng.
  • Giấy note, bút bi.
  • Sách (để mẹ đọc, nên mang các loại cẩm nang chăm sóc em bé thì sẽ yên tâm và đỡ bị các bà (mẹ đẻ, mẹ chồng) nói hơn ), điện thoại, sạc điện thoại.
  • Máy/dụng cụ hút sữa.
Sharky
Đây là một số thông tin về một số điều cần kiêng cữ khi mang thai.

Các thức ăn/thực phẩm nên kiêng:
  1. Rau răm
  2. Rau ngót - mát quá, sợ xảy
  3. Đu đủ xanh sống - độc, dễ xảy - Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh hoặc thường chứa rất nhiều enzymes và mủ, có thể gây nên sự co thắt tử cung với hậu quả là sẽ gây sẩy thai.
  4. Nước dừa, cam thảo và các loại nước mát (3 tháng đầu và 3 tháng cuối) - mát quá, sợ xảy
  5. Nhãn, long nhãn - Theo đông y, quả nhãn tính ôn, vị ngọt, rất dễ trợ hỏa bởi vậy sẽ có hại cho thai phụ, gây tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa. Ăn quả nhãn hoặc long nhãn trong một thời gian dài sẽ hại đến âm, xuất hiện hiện tượng nhiệt, đau bụng, xuất huyết, dấu hiệu của sẩy thai, sinh non.
  6. Táo mèo (hay còn gọi là sơn trà) - Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, quả táo mèo làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và sinh non ở thai phụ.
  7. Đào: nóng, (nhiều vitamin A: dễ sinh con bị câm - dân gian) -  Quả đào có vị ngọt, tính nóng cho nên, nếu ăn nhiều đào, bà bầu dễ bị xuất huyết. Lông ở vỏ quả đào rất dễ gây ngứa, rát cổ họng.
  8. Ngải cứu (nóng) - nhất là khi đang động thai, có thể gây sảy thai ngay lập tức.
  9. Cỏ mực
  10. Ngô (dễ sinh con dị tật)
  11. Măng tươi
  12. Mướp đắng
  13. Sữa đậu nành/đậu phụ/đậu tương (nếu sinh con trai)
  14. Cá thu/cá ngừ/cá biển nói chung/cua (nhiều thủy ngân) - Nên kiêng trong 3 tháng đầu thai kỳ
  15. Các loại thịt hun khói,jambon,pate đóng hộp,salat .
  16. Quẩy, dưa muối và các thức ăn có sử dụng phèn chua: ảnh hưởng tới não bộ thai nhi.
  17. Mực
  18. Gan động vật - quá nhiều vì trong gan có nhiều Vitamin A, quá liều có thể gây dị dạng thai nhi.
  19. Nem chạo,
  20. Rau chân vịt - Rau chân vịt làm cản trở hấp thu chất sắt dẫn đến thiếu máu. Nguyên nhân, do rau chân vịt có nhiều axít làm cho chất sắt của nó không được ruột non hấp thu, thậm chí còn bị đẩy ra khỏi cơ thể. Ăn rau chân vịt càng nhiều càng gây trở ngại cho việc thu chất sắt, khiến tình trạng thiếu máu nặng thêm.
  21. Ăn đồ sống, đồ lạnh,
  22. Nhân sâm (dễ gây dị dạng thai nhi),
  23. Tam thất. 
  24. Khoai tây - Củ khoai tây, nhất là khoai tây đã mọc mầm xanh có chứa một độc tố gọi là solaninne (còn gọi là chất kiềm sinh vật). Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều khoai tây có chứa kiềm sinh vật khá cao, chất kiềm này sẽ tích lũy trong cơ thể và gây hiệu ứng dị tật, ăn 44,2 - 252g khoai tây có thể làm cho thai nhi dị dạng.
  25. Lạc - Ăn lạc trong thời kỳ thai nghén làm tăng các loại bệnh dị ứng, đặc biệt là dị ứng bào thai. Ăn lạc trong thời gian mang thai còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng cho trẻ nhỏ sau này.
  26. Gừng, ớt - Gừng ớt gây nóng trong nên dễ gây hiện tượng táo bón. Hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây ra hiện tượng máu đóng cục. Vì thế thai phụ dùng lâu không có lợi. Phụ nữ trong thời kỳ thai nghén có thể dùng gừng nhưng không được quá 4 ngày. 
  27. Tránh các món ăn gây nặng bụng, các món chiên, xào nhiều dầu mỡ, không ăn các món ăn quá béo. Tránh các món nướng, xông khói, các món ăn có quá nhiều các loại gia vị.
  28. Kiêng ăn mặn để tránh phù thủng, tăng huyết áp đột ngột làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi, dễ dẫn tới nhiễm độc thai nghén. Nếu thai phụ có tiền sử huyết áp thấp thì có thể ăn mặn 1 tí, tuy nhiên với liều lượng vừa phải.
  29. Tránh ăn đồ hộp chưa qua hâm nóng lại.
  30. Tránh ăn quá ngọt để tránh nguy cơ tăng cân quá mức hoặc tiểu đường cho mẹ và thai nhi .   
Các thức uống nên kiêng:
  1. Tránh các thứ kích thích, tránh bia rượu, thuốc lá.. Chất cồn trong rượu khi đưa vào máu có thể gây ngộ độc rượu, gây dị tật cho thai nhi, làm tăng tỉ lệ sinh non và thai chết lưu trong bụng mẹ. Thuốc lá có thể gây dị dạng thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì, mẹ hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu, dị dạng hoặc sẩy sớm.
  2. Riêng trà, cà phê, coca, socola… thì chỉ uống khi cần thiết. Tuy nhiên với liều lượng vừa phải. Uống nhiều có thể dẫn đến nguy cơ tăng nhịp tim, tăng áp lực máu và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dễ dẫn đến sẩy thai và sinh non .
Một số trái cây nên ăn: 
  1. Quả táo chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: axit maclic, tannin... ăn nhiều táo có thể tăng cường sức đề kháng cho thai nhi mặt khác còn giúp bà bầu giữ dáng người tránh thừa cân, béo phì.
  2. Quả lựu, đặc biệt là nước ép quả lựu rất tốt cho thai phụ và sự phát triển trí não của thai nhi, giúp đứa trẻ sinh ra giảm nguy cơ bị tổn thương ở não do là quả lựu chứa hàm lượng cao polyphenol có khả năng chống lão hóa và bảo vệ thần kinh. Tuy nhiên, phụ nữ thiếu máu nên hạn chế ăn quả lựu.
  3. Quả bơ rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, bà bầu ăn nhiều quả bơ trong 3 tháng đầu sẽ sinh con thông minh hơn.
  4. Các loại như dứa, chuối, vải rất tốt nhưng lưu ý với những thai phụ mắc bệnh tiểu đường và thừa cân vì những loại quả này có hàm lượng đường cao.
  5. Dưa hấu giúp lợi tiểu nhưng nếu ăn quá nhiều lại dễ dàng bị mất nước do cơ thể bài tiết quá nhanh và nhiều lượng nước ra ngoài. 
Các vấn đề cần kiêng cữ khác (theo chị Mẹ Uyên My, WTT):


Có điều này chị muốn dặn lại các em mới cấn thai.

-Khi chính thức biết mình mang thai rồi, các em nhớ đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên giùm chị. Tránh đi xa, tránh đi đường dằn xốc.

-Giảm áp lực tinh thần khi mang thai. Tránh nóng giận, bực mình, nên luôn tạo tâm trạng thoải mái vui vẻ sẽ tốt hơn cho con. Tránh đọc sách báo, xem tin tức rùng rợn, giật gân, sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần mẹ và bé.


Về Kiêng Cữ:


-Tránh xa các thú nuôi trong nhà, như mèo, chó…. Lông chó, mèo có thể gây dị ứng trong quá trình mang thai. Phân mèo có thể mang vi khuẩn Toxoplasmosis rất nguy hại đối với thai nhi .


-Tránh thức khuya .


-Tránh để táo bón. Có thể uống 1 lít nước vào buổi sáng sớm, trước khi ăn sáng để ngừa táo bón. Ăn nhiều rau quả, trái cây tươi rửa sạch .


- Không sờ đầu ti, xoa nắn ngực và bụng trong suốt thời gian mang thai vì sẽ gây co thắt tử cung, dẫn tới động thai, sẩy thai hoặc sinh sớm .


-Tránh uống thuốc Đông y trong 3 tháng đầu của thai kì. Vì thuốc bổ quá đôi khi cũng dẫn đến động thai, gây xuất huyết AĐ và sẩy sớm .


--Hai vc nên tuyệt đối kiêng quan hệ trong thời gian đầu, ít nhất trong 1 tháng đầu sau khi biết tin có thai (cái này rất nguy hiểm, chị nhận được 6/10 tin động thai của các em gái đều từ lý do gặp chồng đêm trước ). Sau 2-3 tháng thì có thể quan hệ bình thường, tuy nhiên cần nhẹ nhàng hơn xưa


-Không có khái niệm máu báo khi mới cấn thai! Ra máu luôn là hiện tượng bất thường và là nguyên nhân gây động thai hoặc sẩy sớm. Dấu hiệu động thai thường chỉ là một hoặc vài giọt máu tươi. Vì thế các em cần cố gắng mặc quần lót màu sáng, luôn chú ý dịch AĐ, nếu có màu khác thường hay ra máu hồng, đỏ, nâu thì cần đi bs gấp Đừng nghĩ rằng đó là máu báo và mọi việc sẽ ko sao. Thật sự ra máu trong giai đoạn đầu thai kì rất nguy hiểm. Nếu không chú ý có thể dẫn tới sẩy thai cực nhanh.


-Nếu chẳng may ra dịch nâu đỏ hay hồng nhạt, tuyệt đối tránh đi lại, cần khám bs để được hỗ trợ thai kì, sau đó cố gắng nghỉ ngơi tối đa. Nằm nghỉ trên giường, chân gác lên gối. Ăn cháo cá chép, uống sữa đậu nành để giúp an thai. (Lưu ý là sữa đậu nành chỉ nên uống trong 3 tháng đầu của thai kì, sau đó ko nên uống quá nhiều)


-Thông thường, nếu chẳng may bị động thai và khéo giữ gìn thì mẹ và thai nhi sẽ phục hồi trong 3-5 tuần. Vì thế điều cần thiết ở đây là sự kiên nhẫn .


-Có thai đã khó, giữ thai cũng rất khó. Nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì, tỉ lệ sẩy tự nhiên cực kì cao. Vì thế mong các bà mẹ tương lai lưu ý giùm chị nhé
.
Sharky
Khoảng một tháng nay, tức từ khi có bầu được chừng 24 tuần, mình bắt đầu bị ngứa. Thường là ngứa nhiều ở bụng, ở đùi. Mình đã đi khám ở Thái Thịnh thì BS nói là phải chịu thôi, có thể do dị ứng gì đó, nhưng không có thuốc gì có thể uống và bôi được. Thế là đành phải chịu thật. Nhưng càng ngày càng ngứa điên lên được, không chỉ ở bụng, đùi, mà thi thoảng còn ở tay, ở chân, chủ yếu là ngứa vào ban đêm. Ngứa không thể nào chịu được, cả đêm chỉ có nằm mà gãi, hic. Khổ cái là càng gãi lại càng ngứa, vì gãi làm tăng sắc tố sừng trong da. Từ đầu mình tưởng là do rạn da, nhưng không phải, vì bụng tới giờ đã rạn đâu, mà cả ở tay, chân, lưng thì làm sao mà rạn được.

Hôm nay quyết tâm đến BV Da liễu khám lần 2, trước khi đi "vi hành" trên webtretho xem tình hình các mẹ khác như thế nào thì hóa ra khi mang thai, nhiều bà bầu bị ngứa thật, ít nhất là 20%. Lí do (ngoài việc do bị rạn) là do bị ứ đọng muối mật trong da, rồi do dị ứng thai, rồi do em bé phát triển chèn ép gan làm ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của gan.

Nếu ngứa do rạn thì có thể bôi kem chống rạn. Nếu ngứa do thai nhi làm ảnh hưởng đến gan, mật thì chỉ có cách uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, các thức ăn mát, tắm nước là trà xanh + muối, tắm lá khế, rồi chướm nóng (lấy máy sấy sấy nóng khăn ấp vào) hoặc chườm lạnh (dùng đá).

Mà tự nhiên lang thang lại thấy trang này bán đủ loại lá, trong đó có lá tắm ngứa. Để mua về dùng thử xem như thế nào rồi review cho mọi người biết...
Sharky
Phải nói là đầu năm nay mẹ có nhiều tin vui về các con, trong đó có chuyện từ sau Tết tới giờ, Nhím đã ăn sáng tử tế trước khi đi học thay vì chỉ có uống sữa từ lúc đêm rồi cứ thế là đi học, chờ đến bữa phụ sáng (thường là ăn hoa quả, sữa chua) rồi tới bữa trưa lúc 10h30.

Sau một thời gian ăn sáng tại nhà (trừ bố "được phép" ăn ở bên ngoài :-P), mẹ thấy dưới đây là các món 2 chị em và tất nhiên là cả mẹ :-D có thể ăn được trước khi đi học.
  1. Mỳ chũ nấu thịt bò/lợn băm với cà chua. Cái này là món tủ của Nhím.
  2. Ngũ cốc + bánh ngọt hoặc sữa. Cái này là tủ của chị Cún.
  3. Cháo: sườn, tim cật, gà
  4. Trứng vịt lộn. Sáng nay mẹ rất ngạc nhiên là Nhím ăn được. Món này mẹ không ăn và chị Cún cũng không khoái.
  5. Bánh mỳ chấm sữa. Chắc là món tủ của chị Cún chứ mẹ không thích ngọt mấy và Nhím sáng không thích ăn đồ khô.
  6. Bánh mỳ + trứng ốp/giò + mayonnaise. Món này đích thị là món tủ của mẹ :D
  7. Miến phú hương + thịt băm hoặc xúc xích. Thực ra trước đây mẹ rất hay ăn nhưng từ hồi có mỳ chũ, món này đâm ra bị thất sủng.
  8. Miến xào lươn/cua bể. Món này thì hơi cầu kỳ nên chỉ có khi nào bà Son làm lươn, hoặc ông ngoại gửi lươn, cua ra.
  9. Bánh đa cua. Cái bánh đa này nấu mới cua đồng mới thấy ngon và hợp. Nhưng tương tự như món miến, nó bị thất sủng từ hồi nhà ăn mỳ chũ vì mỳ chũ mềm, các con thích hơn.
  10. Mỳ tôm nước hoặc xào. Mẹ không khoái món này lắm vì nhiều dầu mỡ lại còn nóng, nhưng thi thoảng đổi bữa thì cũng được.
Ngoài ra có một số món có thể ăn nhưng mẹ chưa biết độ hào hứng của các con đến đâu:
  1. Bột mỳ rán. Món này mẹ con mình (Mẹ với chị Cún thì đúng hơn) thường hay lúc đi học/làm về.
  2. Cornflake + sữa tươi/sữa chua. Có lẽ món này chị Cún sẽ thích. Món này ngày xưa đi học mẹ ăn nhiều, nhưng hình như chưa bao giờ ăn với sữa chua cả.
  3. Bún gạo, miến gạo nấu xương. Món này ngày xưa bà nội rất hay nấu cho chị Cún ăn.
Sharky
Để mẹ xem nào... Sau một thời gian trải nghiệm thì mẹ rất ưng ý với một số đồ dùng cho em bé như sau. Phải ghi lại để sau này mua cho em Gấu và rất có thể cả em Hổ, em Rồng nhà mình và thêm các em nhà cậu Long, mợ Phương :-D.
  1. Bình sữa: Nano Silver. Bình của Nhím dùng 2 năm rồi vẫn trông như mới, các vạch chia chẳng mờ tí nào trong khi cái bình Medela thì đã không nhìn thấy vạch từ lâu lắm rồi.
  2. Bỉm: Goon. Mặc dù bỉm này đắt thật, nhưng không có gì để chê về chất lượng cả. Rất tiếc là đâu mãi khi Nhím 6 tháng hay hơn 6 tháng gì đó mới dùng bỉm này thường xuyên. Trước đấy dùng tã Bobby, và thay đổi các loại bỉm khác thì con bị hăm suốt. Sau này sinh em Gấu mẹ cũng sẽ nghiên cứu mua tã Goon, và khi lớn hơn thì dùng bỉm quần Goon. Bỉm quần rất tiện, mặc vào dễ dàng (ngày xưa dùng bỉm dán đóng bỉm cho Nhím cũng vất vả lắm) và rất mềm mại, thấm hút tốt. Hôm trước mẹ thấy Goon nội địa mua còn rẻ hơn Goon xuất khẩu và mùa hè thì dùng loại mỏng hơn (xanh lá) vừa tiết kiệm hơn, vừa mỏng hơn.
  3. Kem hăm: Bepanthen. Rất tốt. Mỗi lần bị hăm hay có dấu hiệu hăm chỉ cần bôi 1, 2 hôm là khỏi. Đây cũng là vật không thể không mua.
  4. ...
Tạm thời nấy đã, mẹ nhớ thêm rồi sẽ cập nhật thêm...
Sharky
Tối qua mẹ vào blog qua ĐT mãi mà không được, giờ mới cập nhật được về các tiến bộ của Nhím trong thời gian này. Phải nói là từ đầu tháng tới nay con rất tiến bộ, con đã biết:

Ăn cơm. Từ giờ nhà không phải nấu cháo cho con nữa, trừ phi bữa sáng có ý định cho con ăn cháo. Con đã ăn cơm được với cả nhà, thức ăn thường là nấu riêng cho dễ ăn hơn (nhỏ và nhừ hơn). Con nhai rất tốt, mỗi bữa nếu ăn tốt có thể ăn được 2 nửa bát cơm. Thực ra con ăn được nửa bát cơm là mẹ đã thấy mừng rồi. Mẹ dự định sang tuần sau sẽ nói với các cô giáo để trên lớp các con ăn cơm. Ăn cháo mãi chắc là chán lắm, vì con toàn nuốt luôn, biết được vị nó như thế nào. Cũng giống như mẹ hay ăn giống Trư Bát Giới ăn đào ấy, ăn xong mà chẳng kịp biết vị mình vừa ăn là vị gì :D
 
Đi xe đạp. Tối qua, con đã biết tự đi xe đạp, dù chân chưa với tới được hết bàn đạp. Con đạp tí một, tí một, thế mà vẫn đi được một đoạn dài vòng quanh phòng khách. Ấy là nhờ công của cô Thu, đúng là cô Thu rất có khiếu chơi với con nít. Cô Thu còn "huấn luyện" để con tự leo lên xe và tụt xuống, thật đúng là quá sức tưởng tượng của mẹ. Nhìn con cô Thu cứ cười là trông giống con... khỉ đi xe đạp. Nhưng hôm qua con mặc cái váy của chị Cún ra ngoài, trông luộm thuộm, tròn tròn, chắc giống con khỉ đi xe đạp hơn, haha.
 
Học bài. Tối mẹ dạy chị Cún học bộ Chim đa đa. Để con đỡ quấy, mẹ nói con cầm 1 quyển sách Đa đa của chị sang cô Thu dạy cho. Lúc chị Cún học xong, thấy cô Thu bảo con học rất nhanh. Mẹ kiểm tra thì thấy đúng là con học nhanh thật. Cô Thu hỏi con phần bài tìm phần còn thiếu của con vật, có đâu chừng gần 10 con, mà con tìm ra được hết phần bị thiếu của nó ở trang bên kia. Con cũng tìm được các số 1, số 2, số 3, số 9 trong bài tập tìm số.

Ừm, có lẽ cô Thu có khiếu dạy con hơn mẹ nhỉ?

Nhím cố lên nhé. Mẹ không có thời gian nhiều dành cho con, nhưng mong con cố gắng phát huy...
Sharky
Hôm thứ 6, mùng 4/3 vừa rồi trường Liễu Giai của các con tổ chức khám sức khỏe. Chỉ số của các con như sau:
  • Cún: cao 113cm, nặng 23kg.
  • Nhím: cao 91cm, nặng 14kg.
Mẹ vừa tra bảng chiều cao, cân nặng chuẩn thì các con đều xuất sắc vượt chuẩn cả, dù Nhím vừa ốm dậy thấy rõ gầy, còn chị Cún tuần này nhìn lại không mập mạp bằng tuần trước. Thôi, không sao, như thế cũng là niềm ao ước của bao người rồi :D. Không hiểu trường các con bao lâu thì khám sức khỏe một lần nhỉ, chắc 1 năm cũng đến 2 lần là cùng.
Sharky
Nói là "khai trương" cho oai vậy thôi chứ đây là nội dung mới của một blog cũ (kể ra thì mình cũng lằng nhằng khi có vài ba cái blog, nhưng mà cũng có update mấy đâu). Một ngày đẹp trời mình mới nghĩ ra cần một nơi ghi lại các thông tin, suy nghĩ, trải nghiệm về việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Vậy là cũng nhân một ngày đẹp trời, đó là ngày hôm nay 3/3 :-D, mình kì cạch xóa đi nội dung ở blog cũ, may mà cũng mới có vài bài, và chuẩn bị tinh thần để update nội dung mới, theo định hướng mới (nghe cứ như chủ trương của Đảng) :-D

Sẽ có cụ thể những cái gì được public lên đây nhỉ:

1. Các công thức nấu ăn. Cái này mình nhớ đầu tiên vì lần nào nấu món mới trên tay cũng phải cầm tờ công thức :-D
2. Các kinh nghiệm nuôi dạy con cái cóp nhặt được. Cái này đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy mình duy trì việc này hàng ngày, vì có nhiều lúc bận việc này việc kia, rồi lười biếng mà mình mất đi quyết tâm phải nuôi dạy các con thật tốt. Đúng là có những việc hôm nay không thể để đến ngày mai, mà có những thứ mình ghi ra để áp dụng từ lúc mang bầu Nhím, tới giờ Nhím đã hơn 2 tuổi vẫn chưa áp dụng được. Nghĩ lại thấy tệ quá. Các con chỉ có 6 năm đầu đời quan trọng, không thể bỏ qua hay xem nhẹ giai đoạn này được.
3. Các trải nghiệm, suy nghĩ liên quan đến việc nuôi dạy con. Nhiều lúc cũng có nhiều tâm sự, suy tư liên quan đến vấn đề này lắm, nên cũng cần ghi lại để rút kinh nghiệm lần sau, để ghi nhớ, để tự vui, buồn với chính mình.
4. Các mốc phát triển của con cái. Các con đã làm được gì vào lúc nào. Nhẽ ra cần làm cái này sớm hơn rất nhiều, hmm... Thôi thì muộn còn hơn không.
5. Một số thứ khác tạm thời chưa nghĩ ra :-D

Thế còn người đọc, blog này dành để cho ai đọc? 

Giờ thì mình không có mong muốn hay yêu thích việc public blog cho tất cả mọi người. Vì vậy, trước tiên blog này là để cho mình đọc, lưu lại, làm theo và ghi nhớ (kế hoạch vẫn là có 4 đứa tất cả cơ mà :-D). Sau là để các con sau này có thể hiểu bố mẹ đã quan tâm, định hướng cho chúng như thế nào và xem chúng đã lớn lên/phát triển ra sau. Sau nữa là để chia sẻ kinh nghiệm, ví dụ như cho vợ chồng nhà cậu Long :-D. Một nấy độc giả thôi tạm được rồi nhỉ? :-P